Lấy ý kiến đồ án quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 19/11/2021
Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 1959/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 Sau khi thực hiện sát nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Hạ Long (mới) có 1.119,12 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số thường trú 327.405 người; thành lập phường Hoành Bồ thuộc thành phố Hạ Long trên cơ sở diện tích tự nhiện và quy mô dân số của thị trấn Hoành Bồ (Sau khi sắp xếp, thành phố Hạ Long có 33 đơn vị hành chính cấp xã, phường). Các vấn đề kinh tế - xã hội của thành phố Hạ Long (mới) đã có thêm những định hướng phát triển mới (mở rộng không gian đô thị về phía Bắc Vịnh Cửa Lục để vịnh Cửa Lục là trung tâm cho định hướng phát triển không gian, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị theo tiêu chí loại I chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế, hình thành không gian phát triển đô thị theo mô hình đô thị cạnh tranh đa cực) và giải quyết những vấn đề mâu thuẫn của thực tế quản lý phát triển đô thị:
Sơ đồ định hướng phát triển không gian quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 (tài liệu lấy ý kiến cộng đồng)
(1) Về tính chất, chức năng: Sau khi sáp nhập cần phải điều chỉnh các giải pháp khai thác để phù hợp với bối cảnh mở rộng địa giới hành chính, cập nhật các định hướng phát triển mới của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long trong giai đoạn phát triển mới; trong đó, xem xét chuyển đổi hoạt động sản xuất công nghiệp khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục và khai thác phát triển vùng phía Bắc Vịnh Cửa Lục và khu vực đồi núi để phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đa dạng hóa các động lực phát triển có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn sản phẩm ngành nghề lợi thế, phát triển hài hòa các ngành, lĩnh vực, phát triển bền vững, dịch vụ du lịch chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh thân thiện với môi trường; Hướng tới xây dựng thành phố Hạ Long là vùng kinh tế động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược của tỉnh Quảng Ninh.
(2) Về tổ chức không gian: Sau khi mở rộng địa giới hành chính, cần có giải pháp quản lý thống nhất về không gian và hệ thống hạ tầng kết nối khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục, thực hiện mục tiêu phát triển Vịnh Cửa Lục trở thành trung tâm phát triển của Thành phố. Rà soát điều chỉnh không gian các khu vực đô thị hiện hữu, phát triển không gian kiến trúc đô thị thành đô thị cạnh tranh đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng, phát triển không gian kiến trúc, phát triển các động lực mới, mỗi công trình kiến trúc là một biểu tượng dịch vụ du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế; Không gian đô thị khoáng đạt đảm bảo môi trường sống nhằm tạo dựng “thành phố xanh - sạch - đẹp”.
(3) Về kết nối hạ tầng: Để phát triển thành trung tâm động lực của tỉnh Quảng Ninh, cần phải đầu tư các tuyến giao thông kết nối về phía Bắc thành phố (xã Kỳ Thượng), kết nối với huyện Ba Chẽ, kết nối với huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang), kết nối với Quốc lộ 4B (đi tỉnh Lạng Sơn); thiết lập hệ thống hạ tầng giao thông nội bộ đồng bộ, liên thông, tổng thể, kết nối để tăng giá trị khai thác các lợi thế cạnh tranh.
(4) Về bảo vệ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ: Với yêu cầu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục, phía Bắc thành phố, đặc biệt là bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn hiện trạng theo các Chỉ thị của Ban Bí thư, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo vệ rừng tự nhiên, rừng ngập mặn, cần phải điều chỉnh giải pháp quy hoạch, các khu vực chức năng để bảo tồn, phát triển diện tích rừng tự nhiên, rừng ngập mặn để đảm bảo môi trường sinh thái.
(5) Về bảo vệ môi trường: Việc bảo vệ và cải thiện môi trường thành phố Hạ Long nói chung và khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục nói riêng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai; cần có định hướng, lộ trình xử lý cụ thể đối với các nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, nhà máy vôi..., các khu vực khai thác đá, khai thác đất, sản xuất vật liệu xây dựng, bến cảng than, cảng vật liệu, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản công nghiệp để từng bước cải thiện chất lượng môi trường khu vực và tạo quỹ đất phát triển không gian xanh cho Thành phố.
(6) Về tổ chức triển khai đầu tư phát triển theo quy hoạch: Khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục đóng vai trò là khu vực phát triển đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh nói chung và góp phần hoàn thiện không gian, chất lượng đô thị của thành phố Hạ Long nói riêng; theo đó, việc quy hoạch phát triển cần gắn với kế hoạch triển khai đầu tư theo quy hoạch hạ tầng đồng bộ, không gian sinh thái hiện đại với các cơ chế chính sách quản lý minh bạch, tạo nguồn lực cho phát triển đô thị bền vững về dài hạn.
Ngoài ra, việc quy hoạch chung thành phố Hạ Long sau khi mở rộng cần tìm ra các định hướng chiến lược, làm động lực cho phát triển Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung trong giai đoạn mới. Với yêu cầu đó, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và Nhiệm vụ quy hoạch, giao tỉnh Quảng Ninh tổ chức lập Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tại Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 19/11/2021.
Tin tức khác
- Các trường học trên địa bàn phường Hà Lầm tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
- UBND phường Hà Lầm phối hợp Sở tư pháp tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội năm 2024
- "Ngày hội đoàn kết - Thắm tình quân dân'' tại Phường Hà Lầm
- Đảng ủy phường Hà Lầm tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 07/11/2024
- UBND phường Hà Lầm tổ chức Hội nghị tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn phường năm 2024