Những điểm mới trong 9 Luật và các Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV

Tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 09 luật và 10 nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng. Có 01 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 28/11/2023; 01 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024; 05 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024; 04 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025; các nghị quyết còn lại có hiệu lực ngay từ khi được Quốc hội thông qua; ngoài ra, một số điều khoản cụ thể trong luật có hiệu lực sớm hoặc muộn hơn so với hiệu lực chung của luật.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

1. Luật Căn cước

Luật Căn cước số 26/2023/QH15 có nhiều quy định mới về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, Luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm một số thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; đổi tên từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; sửa đổi quy định về một số thông tin trên thẻ để phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi hơn cho người dân; bổ sung quy định điều chỉnh đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; quy định 01 chương riêng về căn cước điện tử, danh tính điện tử của công dân Việt Nam nhằm góp phần đẩy mạnh quá trình thực hiện chuyển đổi số ở nước ta.

2. Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự số 25/2023/QH15, có nhiều quy định mới về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Trong đó, Luật bổ sung, làm rõ phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự được xác định cả trên mặt đất, mặt nước, trong lòng đất, dưới mặt nước và trên không; quy định nguyên tắc, tiêu chí phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn; thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; quy định lực lượng quản lý và lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan...

3. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở số 30/2023/QH15 có nhiều quy định mới về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, lực lượng này được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng hiện có là: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng; có vị trí, chức năng là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

4. Luật Đất đai

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là:

(1) Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư. Không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai. Có quy định cụ thể về việc không phân biệt tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;

(2) Bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và quy định pháp luật khác có liên quan;

(3) Hoàn thiện quy định về quy hoạch sử dụng đất theo hướng xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 03 cấp song vẫn bảo đảm đồng bộ với pháp luật về quy hoạch; tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất;

(4) Quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tuân thủ Hiến pháp; trong đó, quy định rõ 31 trường hợp cụ thể;

(5) Hoàn thiện các quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

(6) Luật hóa và bổ sung, hoàn thiện các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất nhằm giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn;

(7) Hoàn thiện các quy định về chính sách tài chính về đất đai. Bổ sung, hoàn thiện quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai và các luật khác có liên quan. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường;

(8) Hoàn thiện quy định về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển. Quy định rõ ràng hơn về tập trung đất nông nghiệp; tích tụ đất nông nghiệp; chuyển nhượng đất nông nghiệp. Bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích...

(9) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin từ Trung ương đến địa phương. 

5. Luật Nhà ở

Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là:

(1) Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm, hạn chế sự can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.

(2) Hoàn thiện các quy định chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; tăng cường phát triển nhà ở theo dự án nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân lô bán nền để hài hòa giữa yêu cầu quản lý và mục tiêu phát triển.

(3) Tăng cường quản lý chặt chẽ loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini) để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

(4) Cải tiến, đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư dự án phát triển nhà ở; bổ sung nhiều cơ chế ưu đãi với các nội dung cụ thể, minh bạch, dễ thực hiện nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở, trong đó trọng tâm là dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án xây dựng nhà ở xã hội...  

(5) Bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định nhằm khắc phục các tranh chấp, khiếu kiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng nhà chung cư; giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì cho Ủy ban nhân dân cấp huyện...  

6. Luật Kinh doanh bất động sản

Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là:

(1) Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo với Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thi hành án dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…; bổ sung quy định về những trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản;

(2) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; điều chỉnh chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai năm 2024;

(3) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh, xác định việc công khai thông tin là điều kiện bắt buộc khi kinh doanh bất động sản, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi của người mua, thuê, thuê mua bất động sản;

(4) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, điều kiện, thực hiện kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai theo hướng chặt chẽ hơn, góp phần phát triển thị trường bất động sản bền vững;

(5) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản;

(6) Hoàn thiện các quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản. Quy định rõ các loại hợp đồng trong kinh doanh bất động sản;

(7) Bổ sung các quy định về điều tiết thị trường bất động sản thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở, điều chỉnh dự án bất động sản, các chính sách về thuế, tín dụng và các chính sách khác; bảo đảm cung cầu và cơ cấu sản phẩm bất động sản phù hợp theo từng giai đoạn của thị trường, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. 

7. Luật Tài nguyên nước

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 có nhiều quy định mới về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; các chính sách để khuyến khích sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội đối với các tất cả các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước; các nội dung về chính sách kinh tế tài nguyên nước; việc phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; phòng, chống xâm nhập mặn; phòng, chống sụt, lún đất; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ... 

8. Luật Viễn thông

Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số dịch vụ mới (dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; bổ sung, quy định các nội dung để tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng viễn thông, đáp ứng vai trò là hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện các quy định về hoạt động viễn thông công ích; quy định cụ thể về đấu giá đối với các loại tài nguyên kho số viễn thông, tài nguyên Internet phải đấu giá; quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh và điều chỉnh điều kiện cấp phép viễn thông đối với các trường hợp khác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, bổ sung hình thức đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông để áp dụng với các dịch vụ viễn thông cần quản lý nhẹ; bổ sung quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông để thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông…

9. Luật Các tổ chức tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là:

(1) Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro tiệm cận với thông lệ tốt về quản trị công ty; tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

(2) Sửa đổi một số quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng bên cạnh yêu cầu chặt chẽ về quản trị, điều hành;

(3) Hoàn thiện các quy định về hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng;

(4) Bổ sung 01 chương về ngân hàng chính sách trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngân hàng này vì mục tiêu thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước;

(5) Hoàn thiện quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như đáp ứng các yêu cầu về tài chính, hạch toán, kế toán theo chuẩn mực quốc tế;

(6) Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém;

(7) Hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước, trong đó tăng cường trách nhiệm thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước; quy định sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, nhất là Bộ Tài chính trong công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao tính hiệu quả trong quản lý, giám sát và kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm;

(8) Bổ sung một số quy định khác như về hành vi bị cấm; bảo vệ quyền lợi khách hàng; chỉnh lý quy định về giấy phép để giảm thiểu thủ tục hành chính.

* Một số nội dung trọng tâm trong các nghị quyết của Quốc hội 

+ Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5% (mục tiêu năm 2023 là khoảng 6%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5% (mục tiêu năm 2023 là khoảng 4,5%); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3% (mục tiêu năm 2023 là khoảng 5,0 - 6,0%); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4% (tương đương mục tiêu năm 2023)...

Quốc hội yêu cầu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

+ Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024:

+ Nghị quyết số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024:

Quốc hội quyết nghị thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 (số thu ngân sách nhà nước; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương; tổng số chi ngân sách nhà nước, mức bội chi ngân sách nhà nước; tổng mức vay của ngân sách nhà nước); một số nội dung điều hành ngân sách nhà nước năm 2023 và về thực hiện chính sách tiền lương.

Đặc biệt, Quốc hội đã quyết định thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024, đồng thời, quy định về thời hạn áp dụng việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở Trung ương. Theo đó, các cơ quan nêu trên sẽ thực hiện áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đến hết ngày 30/6/2024. Từ ngày 01/7/2024, thực hiện bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

+ Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ

Nghị quyết quy định thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đối với các dự án nêu tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết. Trong đó, quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 28/11/2023 và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025. Các dự án được áp dụng chính sách thí điểm đến khi hoàn thành dự án.

+ Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Các quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) của OECD hay còn được gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tối thiểu 15% tính trên toàn cầu cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh số năm trên 750 triệu EUR) đã được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế TTTC từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024, ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế TTTC có thể kê khai thuế TNDN bổ sung tại Việt Nam đồng thời, thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế TTTC, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Nghị quyết quy định cụ thể các nội dung liên quan đến người nộp thuế; giải thích từ ngữ liên quan đến các khái niệm về thuế TTTC theo hướng dẫn của OECD; quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT); quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR); kê khai, nộp thuế và quản lý thuế,… Theo quy định của Nghị quyết, người nộp thuế là "Đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 02 năm trong 04 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên", trừ một số trường hợp cụ thể.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

+ Nghị quyết 108/2023/QH15 về giám sát "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030"

Nghị quyết đã đánh giá những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng; nhận định, đánh giá về tình hình tổ chức thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia một cách khách quan, khoa học, nhất là nội dung liên quan đến văn bản chính sách và công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện; chỉ rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của những hạn chế và xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ đã gấp rút thực hiện và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, tháng 1/2024.

+ Nghị quyết số 109/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực. Trong đó, đề nghị tập trung thực hiện các nội dung đối với 21 lĩnh vực cụ thể, gồm: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng; công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường; thông tin và môi trường; lao động, thương binh và xã hội; văn hóa, thể thao và du lịch; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế; nội vụ; xây dựng, thực thi pháp luật, pháp chế, giám định tư pháp và thi hành án; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

+ Nghị quyết số 110/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Tại Nghị quyết này, Quốc hội quyết định một số chính sách cơ bản sau:

- Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

- Giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14, số 131/2020/QH14 và số 160/2021/QH14 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

- Đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024; bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án.

- Bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện tại Báo cáo số 581/BC-CP ngày 20 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ vào điểm a mục 1.2 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và cho phép chuyển nguồn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại điểm a mục 1.3 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn dư sang năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương để triển khai thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư nêu trên.

Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.

- Đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán. 

- Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiến nghị; có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV...

+ Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Nghị quyết quy định 08 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: (1) Chính sách về phân cấp cho địa phương phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; (2) Chính sách về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm; (3) Chính sách về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; (4) Chính sách quy định về giao chủ dự án tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện dự án phát triển sản xuất; (5) Chính sách về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; (6) Chính sách về ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; (7) Chính sách về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 – 2025; (8) Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

+ Nghị quyết số 112/2024/QH15 về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Tại Nghị quyết này, Quốc hội quyết nghị: (1) Cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; (2) Phân bổ 2.526,16 tỷ đồng trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng cho EVN để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.

 

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 3490