Quyết liệt phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N8

Từ ngày 1/7 đến nay, trên địa bàn xã Vũ Oai, TP. Hạ Long đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm A/H5N8. Đây là chủng virus cúm gia cầm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và rất nguy hiểm vì có khả năng lây sang người. Vì vậy, các lực lượng chức năng của xã Vũ Oai cũng như thành phố đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát và phòng, chống dịch lây lan.

Từ ngày 29/6, đàn gà của hộ gia đình ông Vũ Huy Long (thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai) có biểu hiện mệt mỏi, ốm chết rải rác trong chuồng, triệu chứng sốt cao, mào cờ thâm đen, mào tích sưng phù, tích nước, chân bị xuất huyết. Số gà chết trong ngày lên đến hơn 100 con. Ngay sau khi nhận được tin báo, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp thành phố Hạ Long đã nhanh chóng kiểm tra, lấy mẫu  bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng 2 Hải Phòng để xét nghiệm. Kết quả, cả 3/3 mẫu đều dương tính với virus cúm gia cầm H5N8.

Ngày 2/7, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp thành phố phối hợp với UBND xã Vũ Oai tổ chức kiểm đếm, thu gom toàn bộ số gà bị bệnh (1.895 con) để đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định; khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi gia cầm của gia đình và các hộ lân cận; thông báo cho các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thực hiện cách ly phòng chống dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gà mắc cúm H5N8 tại xã Vũ Oai

Ngày 6/7, đàn gà của hộ gia đình anh Bùi Đức Việt (liền kề với hộ ông Nguyễn Huy Long) cũng có hiện tượng mệt mỏi, ốm chết nhanh bất thường. Sau khi lấy mẫu kiểm tra, 3/3 mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virus cúm H5N8. Các cơ quan chức năng của thành phố và xã Vũ Oai đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gà và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch lây lan.

Trao đổi với ông Đào Tất Thắng, Chủ tịch UBND xã Vũ Oai, được biết: Trên địa bàn xã có trên 11 hộ nuôi gà với khoảng hơn 11.000 con. Để chủ động phòng chống dịch lây ra diện rộng, cán bộ thú y và y tế xã đã nhanh chóng phun khử khuẩn quanh khu vực chuồng trại của tất cả các hộ chăn nuôi gà; đồng thời đã tiêm văc-xin phòng cúm gia cầm cho trên 90% số gà trên địa bàn. Đối với 2 hộ chăn nuôi đã phát sinh ổ dịch, sau khi tiêu hủy toàn bộ số gà bị bệnh và phun thuốc khử trùng tiêu độc, cán bộ thú y cũng hướng dẫn các hộ cách xử lý chuồng trại, thức ăn còn thừa để tránh phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.

Rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng tiêu độc quanh khu vực chuồng trại của 2 hộ gia đình có đàn gà mắc bệnh và các khu vực phụ cận

Biển cảnh báo được đặt gần khu vực xuất hiện ổ dịch để người dân biết và tự cách ly

Với sự xuất hiện của 2 ổ dịch tại xã Vũ Oai, lần đầu tiên ghi nhận chủng cúm gia cầm H5N8 trên địa bàn TP. Hạ Long cũng như tỉnh Quảng Ninh. Chủng virus này có độc lực mạnh và tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng là rất cao. Theo thống kê, tổng đàn gia cầm trên địa bàn TP hiện có khoảng 200 nghìn con, chủ yếu được chăn nuôi tại các xã phía Tây thành phố và phường Đại Yên.

Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm khác, cùng với việc tiêu hủy toàn bộ số gà bị bệnh, khoanh vùng và cách ly các ổ dịch, thành phố Hạ Long đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi; chỉ đạo các địa phương thống kê số lượng đàn gia cầm hiện có, đôn đốc và vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm, vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc định kỳ. Tăng cường tuyên truyền, thông tin về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là chủng cúm A/H5N8. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi gia cầm không mua gia cầm và sử dụng gia cầm ồn, bị bệnh trong thời gian có dịch; không nhập mới gia cầm về nuôi; khi phát hiện gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp can thiệp và xử lý, khống chế dịch bệnh kịp thời.

Ông Lê Đình Anh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp thành phố Hạ Long cho biết: Kháng nguyên của chủng cúm A/H5H8 khá tương đồng với chủng cúm A/H5N6. Nếu thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc-xin H5N6 thì có thể sẽ phòng dịch hiệu quả đối với chủng H5N8. Vì vậy, công tác tiêm phòng là một trong những biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch lây lan. Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, các xã, phường đã khẩn trương triển khai việc tiêm phòng cho đàn gà trên toàn địa bàn; cố gắng từ nay đến trung tuần tháng 7 phải hoàn thành dứt điểm việc tiêm phòng cúm gia cầm.

Khác với các chủng cúm gia cầm khác, H5N8 có khả năng lây sang người và không có biểu hiện triệu chứng. Do đó, bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng thì người chăn nuôi và người tiêu dùng cũng cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, giữ vệ sinh thường xuyên để chủ động phòng, chống dịch bệnh, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Phương Loan – Huy Phương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 190