Giới Thiệu

Phường Hà Lầm nằm ở phía đông bắc thành phố Hạ Long, có vị trí nằm trong khoảng từ 200 57' 23'' đến 200 59' 28'' Độ vĩ Bắc, 1070 05' 57'' đến 1070 07' 34'' Độ kinh Đông. Phía Bắc giáp phường Hà Khánh; phía Nam giáp phường Hồng Hải; phía Đông giáp phường Hà Trung; phía Tây giáp phường Cao Thắng.

Phường Hà Lầm cách trung tâm thành phố Hạ Long 4 km về phía Đông Bắc, nối liền với quốc lộ 18A bằng đường 336. Có vị trí thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, lưu chuyển hàng hóa với các nơi khác trong tỉnh và cả nước.

Phường có địa hình đồi núi với độ cao từ 30 - 183.5 m, khu vực trung tâm bám theo trục đường 336 có độ cao từ 30 - 70 m, chủ yếu phát triển khu dân cư, thương mại, dịch vụ. Khu vực phía Bắc có độ cao từ 60 - 183.5 m, một phần lớn đã được đưa vào trồng rừng và khai thác khoáng sản, diện tích còn lại là đất trống, đồi trọc chưa được đưa vào sử dụng. Khu vực phía Nam có độ cao từ 50 - 120 m, chủ yếu phát triển khu cư dân, dịch vụ thương mại và các công trình phúc lợi xã hội công cộng.

Hà Lầm mang đặc điểm chung của vùng khí hậu vùng Đông Bắc, một năm có 4 mùa rõ rệt. Hệ thống sông suối phường Hà Lầm bắt nguồn từ các thung lũng núi, với các dòng chảy chạy quanh co uốn khúc với lưu vực nhỏ, hay bị bồi lấp bởi các bãi khai thác than sau những trận mưa lớn tràn xuống, hệ thống thoát nước nhỏ, hẹp, thoát nước chậm, gây ngập úng cản trở việc đi lại và sinh hoạt của nhân dân.

Hà Lầm là một trong những phường của thành phố Hạ Long có tài nguyên thiên nhiên khá phong phú. Tài nguyên đất: Đất đai phường Hà Lầm được hình thành chủ yếu do hai loại đất chính: Đất vàng đỏ đá lẫn nhiều ở sâu thành phần cơ giới chủ yếu do đá mẹ phẫu chất, sa phiến thạch ở các đồi thấp có độ cao khoảng 60m với diện tích khoảng 235,0 ha ở phía nam và phía bắc đường 336 (không kể đất ở đô thị và đất chuyên dùng). Chủ yếu là các thảm thực vật tự nhiên, cây bụi… hiện nay được trồng các loại cây như keo, thông, bạch đàn…; Đất canh tác với diện tích 250 ha, đặc điểm của loại đất này chủ yếu là đá không phân hóa hình thành phẫu diện, nhưng do tác động của con người trong khai thác mỏ bị xáo trộn lớn. Loại đất này ít có khả năng đối với sản xuất nông lâm nghiệp.

Tài nguyên nước, nguồn nước mặt chủ yếu do các sông suối và lượng nước mưa cung cấp với khối lượng không nhiều. Để khai thác tốt nguồn nước cần đầu tư nạo vét tôn tạo một số moong nước trên địa bàn như Moong A, Moong Cô Phượng, Moong khu 5, Moong Đập nước...để dự trữ nước và các đường ống dẫn nước từ nhà máy nước về đáp ứng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của con người.

Hiện nay Hà Lầm có 98,20 ha rừng, chiếm 24,32% diện tích đất của phường, rừng trồng sản xuất 43,90 ha chủ yếu là các loại cây như bạch đàn, keo và một số loại cây ăn quả…Rừng phòng hộ với diện tích 54,30 ha, tập trung chủ yếu ở phía Bắc và phía Nam đường 336, kết hợp phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái.

Khoáng sản trên địa bàn phường chủ yếu là than đá, phân bố chủ yếu ở phía Bắc phường Hà Lầm với trữ lượng lớn. Chủ yếu là than Antrxít và bán Antrxít, tỷ lệ than cục tương đối lớn phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Dân số, tiềm năng và truyền thống

Hà Lầm từ xa xưa có tên gọi là Hạ Lâm (vùng rừng thấp), ngay từ cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta và chúng nhanh chóng chiếm đóng, đặt ách đô hộ trên toàn Vùng mỏ Quảng Ninh để khai thác và vơ vét tài nguyên than đá. Cũng chính từ nơi đây nhiều cán bộ ưu tú của Đảng trong phong trào “Vô sản hóa” đã làm lên truyền thống vẻ vang của Vùng mỏ bất khuất. Ở Hà Lầm những năm đầu thế kỷ XX hầu hết là phu mỏ từ các tỉnh ở vùng đồng bằng Bắc bộ đến làm ăn và sinh sống.

Hà Lầm cũng là một trong những nơi giai cấp công nhân được hình thành sớm và gắn liền với sự ra đời, hình thành giai cấp công nhân Việt Nam. Với truyền thống đoàn kết, một lòng tin theo Đảng, theo Bác Hồ, anh dũng kiên cường, đóng góp không kể sức người, sức của, chịu đựng bao hy sinh gian khổ, để làm nên những chiến thắng oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến. Chính tinh thần và con người nơi đây đã hun đúc nên một vùng đất Hà Lầm anh hùng, giàu truyền thống cách mạng được chứng minh bằng danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp” và nhiều phần thưởng cao quý khác. Khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, trên mảnh đất này, những người công nhân mặc áo lính với bản chất anh "Bộ đội Cụ Hồ" đã cùng với nhân dân hăng hái thi đua, sản xuất, khôi phục nền kinh tế, khắc phục những những hậu quả do chiến tranh để lại, xây dựng  vùng đất  Hà Lầm mạnh về kinh tế, ổn định về an ninh chính trị vững bước trên đường hướng tới tương lai.

Ngày 19/7/1946, Bộ nội vụ ra Nghị định số 269 NV-NĐ “…Tạm lập lại tỉnh Quảng Yên Khu đặc biệt Hòn Gai chịu sự điều khiển, kiểm soát trực tiếp của Uỷ ban hành chính Bắc Bộ”. Lúc này Khu đặc biệt Hòn Gai gồm châu Cẩm phả và 6 thị xã trong đó Hà Lầm là 1 trong 6 thị xã của Khu đặc biệt Hòn Gai.

Ngày 16/12/1948, UBKC-HC Liên khu I ra Quyết định số 420PC/1 “tách khu Hòn Gai ra khỏi địa giới tỉnh Quảng Hồng và đặt thành một đơn vị kháng chiến hành chính đặc biệt, gọi là Khu đặc biệt Hòn Gai, đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của UBKC-HC Liên khu I. Lúc này Hà Lầm là một đơn vị trực thuộc Thị xã Hòn Gai.

Ngày 26/2/1966, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 50-NV “Phê chuẩn việc thành lập các thị trấn Hà Tu, Hà Lầm, Bãi Cháy thuộc thị xã Hồng Gai”.

Ngày 10/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 63 HĐBT về việc thành lập các phường ở thị xã Hồng Gai, Quyết định nêu: Giải thể thị trấn Hà Lầm, lập 3 phường Hà Lầm, Hà Trung, Hà Khánh trực thuộc thị xã Hồng Gai.

Tính đến 31/12/2020), phường có 6 khu phố, 53 tổ dân, 5 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Sán Dìu, Cao Lan, Hoa, Tày. Dân số trên địa bàn phường có 12.265 người, với 3.482 hộ, bình quân 3,5 người/hộ, tỷ lệ phát triển dân số của phường là 1,19%. Mật độ dân số bình quân 2.560 người/km2 dân cư phân bố không đều, tập trung ở khu vực trung tâm phường với mật độ khoảng 4.652 người/km2.

 Với 10.336 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động 4.817 người chiếm 48,60%, đây là tỷ lệ tương đối cao và là nguồn nhân lực chủ yếu để phát triển kinh tế xã hội địa phương. Số lao động có việc làm tham gia vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế là 4593 người chiếm 95,4%, số lao động thiếu việc làm 224 người chiếm 4,5%. Cùng với sự gia tăng dân số, lực lượng lao động trong độ tuổi không ngừng tăng lên, chính vì thế cần phải phát triển mạnh các ngành nghề trong địa bàn phường như đầu tư mở rộng nhà xưởng, dịch vụ kinh doanh… góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Việc làm chủ yếu trong địa bàn phường là lao động trong các ngành kinh tế như là thương mại và dịch vụ, sản xuất kinh doanh và trong các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước.

Trên địa bàn phường có 01 doanh nghiệp Nhà nước đó là Công ty Cổ phần Than Hà Lầm với trên 4.000 cán bộ, công nhân, thu hút đông đảo nhân dân trong địa phương, 01 đơn vị quân đội (Cụm C42 Quân khu 3), 01 phân hiệu của trường Đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm và có 03 trường học (01 Mầm non, 01 trường Tiểu học, 01 trường THCS) với tổng số trên 2.500 học sinh và trên 130 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Điều kiện kinh tế-xã hội của phường: Nhân dân trên địa bàn phần lớn là công nhân đã và đang làm trong ngành than chiếm 85% số người trong độ tuổi lao động và người già, số còn lại là chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh buôn bán nhỏ và chăn nuôi trồng trọt. Tình hình trật tự xã hội luôn luôn được giữ vững, nhân dân yên tâm lao động sản xuất.

Tổ chức chính trị xã hội Phường gồm có: UB MTTQ với 25 uỷ viên; 06 ban công tác mặt trận với 56 uỷ viên; Hội LHPN Phường: có 08 chi hội với 1085 Hội viên; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: gồm có 11 chi đoàn trực thuộc với 156 đoàn viên và thanh niên; Hội CCB: có 07 chi Hội với 270 Hội viên; Hội Người Cao Tuổi: gồm có 6 chi hội với trên 1000 hội viên; Hội Chữ Thập Đỏ: gồm có 10 chi Hội có 753 hội viên.

Đảng bộ phường có 6 chi bộ trực thuộc với 458 đảng viên. Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội hàng năm đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc.

Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp các mạng, nhiều tập thể và cá nhân trong địa bàn phường đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như: Công ty Than Hà Lầm được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 1996); Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2004); Huân chương độc lập hạng Nhì (năm 2006); Huân chương độc lập hạng Nhất (năm 2010): Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1995), hạng Ba (năm 1982)... Phường có 01 Bà mẹ Việt Nam anh hùng-Mẹ Nguyễn Thị Văn; 03 Anh hùng Lao động: Hoàng Thị Thoa, Nguyễn Đức Vụ, Nguyễn Văn Dự. Đặc biệt, để ghi nhận những đóng góp của cán bộ và nhân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 2005, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định phong tặng Danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho cán bộ và nhân dân phường Hà Lầm.

Phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, ngày nay cán bộ và nhân dân phường Hà Lầm luôn năng động sáng tạo xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Diện mạo Hà Lầm đã có nhiều đổi mới. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, xây dựng; các tuyến đường liên khu được bê tông hoá, đường phố khang trang, sạch đẹp; đời sống của nhân dân ngày càng ổn định và phát triển.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 378